Lượt xem: 624

Hy vọng mới trên nền đất mía

Cù Lao Dung và Mỹ Tú được xem là 02 vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh Sóc Trăng với diện tích gieo trồng đạt gần 8.000 hecta mỗi năm. Nhiều năm nay, khi cây mía đã không còn mang lại “vị ngọt” như đã từng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để người dân trồng mía có cơ hội tiếp cận được những mô hình sản xuất cho lợi nhuận kinh tế ổn định hơn.

    Sau nhiều năm cố gắng bám trụ; đến khi cây mía đã thật sự không thể quay trở lại “thời hoàng kim” như nhiều năm về trước; anh Sơn Văn Thăng ở ấp Bình Danh B, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung quyết định chuyển hẳn 06 công đất trồng mía sang trồng cỏ để nuôi bò. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng tốt những quy trình kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn do Dự án phát triển chăn nuôi bò của tỉnh triển khai và được kỹ thuật viên Dự án hỗ trợ thụ tinh nhân tạo trên bò mà từ 02 con bò cái ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên đến 10 con. Nhờ đầu tư nuôi bò sinh sản mà trung bình mỗi năm, gia đình lại có thể xuất bán từ 2 đến 3 con bò cao sản như Pháp kem, BBB với năng suất cao. Nguồn thu ổn định không chỉ giúp vợ chồng anh Thăng nhẹ lo chuyện học hành cho con cái mà còn có thể xây dựng ngôi nhà mới khang trang, kiên cố hơn. Anh Thăng phấn khởi chia sẻ: “Trồng mía đầu tư nhiều mà không có lời nên tôi quyết định tận dụng đất trồng mía trước kia để trồng cỏ nuôi bò. Nuôi bò mặc dù hơi chậm, nhưng cho thu nhập ổn định hơn. Vì nếu năm nay bò không có giá thì mình neo đến năm sau bán vẫn được”.


Nhiều diện tích trồng mía tại Cù Lao Dung được người dân tận dụng để trồng cỏ nuôi bò.

 

    Đồng hành với bà con trong việc tận dụng nền đất mía để trồng cỏ nuôi bò; Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt đã thực hiện hỗ trợ được 40 con bò cái giống lai Sind cho những hộ có nhu cầu chuyển đổi tại các xã: An Thạnh Nhì, An Thạnh Ba, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông. Hỗ trợ 368 kg hạt cỏ sả, 5 máy băm thái cỏ, 5 mô hình ủ phân compost, hỗ trợ thực hiện mô hình vỗ béo 11 con bò thịt, tổ chức 62 lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ duy trì phát triển 2  tổ hợp tác, 1 hợp tác xã (kinh phí mỗi tổ hợp tác, hợp tác xã là 20 triệu đồng). Có thể nói,  Dự án đã tác động tích cực đến lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò của huyện. Nếu như trước khi triển khai Dự án, tổng đàn bò trên toàn huyện là 1.450 con thì đến nay đã phát triển lên đến 1.910 con. Đàn bò đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Đồng chí Đồ Văn Thừa - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao dung thông tin thêm: “Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện thì ngoài lĩnh vực trồng trọt hay nuôi trồng thủy sản thì chăn nuôi bò thịt cũng là mô hình chuyển đổi mà huyện sẽ lựa chọn để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, giúp các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi bò theo hình thức gia trại, trang trại. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát để lên danh sách các hộ trồng mía có nhu cầu tham gia mô hình, từ đó có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho phù hợp”.

    Riêng tại huyện Mỹ Tú; trong số 400 hecta đất mía được chuyển đổi sang trồng màu thì đã có hơn 30% diện tích là trồng khổ qua - đây là một trong những mô hình thí điểm mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vùng trồng mía ổn định lại sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Theo đó, nông dân tham gia mô hình sẽ được Chi cục hỗ trợ 50% giống, 50% phân bón vật tư nông nghiệp. Sau 45 ngày gieo hạt, khổ qua bắt đầu cho thu hoạch và năng suất tăng dần theo tốc độ phát triển của cây. Trung bình cứ mỗi đợt, 01 hecta sẽ thu được từ 02 đến 03 tấn trái, với giá bán được thương lái thu mua tại ruộng là từ 6 đến 8 nghìn đồng/1kg; sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/1 công. Đến nay, mô hình chuyển đổi này đã giúp nhiều hộ gia đình tại các xã Long Hưng, Hưng Phú cải thiện thu nhập sau nhiều năm bấp bênh vì cây mía. Ông Nguyễn Văn Kiệp ở ấp Mỹ Khánh A, xã Long Hưng -  một trong những nông dân tiên phong tham gia mô hình chuyển đổi cho biết thêm : “Cây khổ qua này cũng dễ trồng, trồng không có bị chết dây. Giá này là còn rẻ nên lãi chưa được nhiều, chứ lên tầm 9- 10 nghìn/1 kg thì so ra lợi nhuận gấp đôi so với trồng mía”.


Cây khổ qua phát triển tốt trên nền đất mía tại Mỹ Tú.

 

    Có thể thấy, nông dân trồng mía tại Sóc Trăng đã không còn đơn độc trong bài toán: “Phải trồng cây gì” hay “phải nuôi con gì”; bởi hiệu quả bước đầu từ những chương trình hỗ trợ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã giúp người trồng xác định được những mô hình chuyển đổi phù hợp hơn. Để rồi, cũng chính trên những nền đất đã từng chứng kiến biết bao câu chuyện buồn về mía mất mùa, mất giá lại sẽ bắt đầu được nhóm lên những tia hy vọng mới với những cây trồng mang tính thích nghi bền vững và cho giá trị kinh tế cao. Điều này cũng rất phù hợp trong giai đoạn mà tỉnh nhà vẫn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 62
  • Hôm nay: 7355
  • Trong tuần: 78,062
  • Tất cả: 11,801,382